Chiều 25/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo giới thiệu sáng kiến “Nâng cao hiểu biết về giá trị tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm và sử dụng nước trong sinh hoạt cho đối tượng học sinh tại Hà Nội” do Viện Khoa học Tài nguyên nước chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Văn Trà, Phó Viện trưởng Viện Khoa Hoc TNN cho biết, trong báo cáo năm 2019 của Ngân hàng thế giới với tiêu đề “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng sạch và an toàn” đã chỉ ra 3 thách thức về TNN tại Việt Nam, đó là nước quá bẩn, quá thiếu và quá thừa.
Tài nguyên nước tại Việt Nam quá bẩn, cụ thể là nhiều khu vực đang phải đối mặt với ô nhiễm nguồn nước. Cụm từ “con sông chết” đã được dùng để mô tả nhiều dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch và Kim Ngưu trên địa bàn Thành Phố Hà Nội.
Tài nguyên nước tại Việt Nam quá thiếu. Trong đợt nắng nóng mùa hè vừa qua, lượng nước thiếu hụt khiến cho mực nước tại các hồ chứa thủy điện bị sụt giảm và gây ra hiện tượng cắt điện luân phiên tại miền Bắc.
Tài nguyên nước tại Việt Nam quá thừa. Các cơn mưa lớn gây ra những trận ngập lụt cả ở đô thị và lũ quét ở vùng núi. Hẳn chúng ta chưa quên cơn mưa lịch sử vào mùa hè năm ngoái tại thành phố Đà Nẵng, khi mưa lớn đã làm ngập lụt các tuyến đường trên thành phố. Và gần đây hơn là lũ quét trên tỉnh Lào Cai gây ra thiệt hại về người và tài sản.

Giáo viên và học sinh tham gia Hội thảo
Trước những thách thức đó, việc nâng cao nhận thức và phát triển các hành động bảo vệ, duy trì sự ổn định của TNN là một hoạt động vô cùng cần thiết.
Đối tượng trẻ em - hạt nhân tương lai của xã hội có một vị trí trung tâm trong việc định hướng sự phát triển của xã hội. Thông qua việc giáo dục, cung cấp kiến thức về TNN, các quy định pháp luật về bảo vệ TNN, sử dụng và thực hành các kỹ năng, cách thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần hình thành các thói quen tốt trong tương lai. Không những thế, trẻ em có khả năng lan tỏa các tác động tích cực đến gia đình và những người xung quanh, khiến xã hội phát triển theo hướng bền vững hơn và chống lãng phí TNN.
TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Trưởng phòng điều hành Phòng Kinh tế và quản lý Tài nguyên nước (Viện Khoa học TNN) đã giới thiệu với các nhà giáo và học sinh một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội về nội dung sáng kiến - dự án. Theo đó, dự án lựa chọn thực hiện thí điểm tại 3 trường liên cấp gồm: Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Khương Hạ, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường quốc tế Dewey.
Thời gian triển khai dự án từ tháng 9/2023 đến tháng 5/2024. Trong thời gian này, dự án sẽ khảo sát sự hiểu biết của học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường và gia đình học sinh về giá trị TNN; hiện trạng sử dụng nước trong sinh hoạt hằng ngày; các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
.jpg)
TS. Nguyễn Tú Anh trình bày nội dung Dự án
Mục tiêu của Sáng kiến “Nâng cao hiểu biết về giá trị TNN, sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt cho đối tượng học sinh tại Hà Nội” nhằm hướng đến nâng cao hiểu biết về giá trị TNN, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt cho học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông tại Hà Nội, cụ thể sẽ thực hiện các nội dung:
Xây dựng được chương trình nâng cao nhận thức trực tuyến trên nền tảng web để cung cấp kiến thức về giá trị TNN, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt (e-ProWater) cho 03 cấp học;
Sử dụng phần mềm để nâng cao hiểu biết về giá trị TNN, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày cho học sinh, giáo viên và gia đình tại Hà Nội;
Đóng góp ý kiến tham mưu cho cơ quan quản lý về thực trạng sử dụng nước sinh hoạt tại Hà Nội và các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt tiềm năng.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các giáo viên, học sinh và đơn vị chủ trì triển khai dự án thảo luận về phương pháp thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về TNN.
Phương Chi